Hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm trong 4 tháng đầu năm nay. Ảnh: Sơn Trang.
Xu hướng thị trường đầu năm nay cho thấy, Hoa Kỳ đang tăng mua hạt tiêu nhưng lại giảm nhập khẩu từ Việt Nam – nhà cung cấp lớn nhất trong nhiều năm qua,
Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), trong tháng 3, nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ đạt 6.741 tấn, tăng hơn 13% so với tháng trước và tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong quý I năm nay, nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ đạt 21.586 tấn, kim ngạch gần 159 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Việt Nam tiếp tục là nguồn cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho thị trường Hoa Kỳ, nhưng lượng hạt tiêu nhập khẩu từ Việt Nam lại giảm. Cụ thể, lượng hạt tiêu Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong quý I là 13 nghìn tấn, giảm 13,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2024.
Trong khi đó, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Indonesia (4.522 tấn, tăng 242%), Ấn Độ (2.181 tấn, tăng 18,5%)… Thị phần của hạt tiêu Việt Nam (tính theo lượng) tại thị trường Hoa Kỳ vì vậy mà giảm khá nhiều, từ 76% trong quý I/2024 xuống còn 60% trong quý I/2025.
Giá cả là yếu tố hàng đầu khiến cho Hoa Kỳ giảm mua hạt tiêu Việt Nam. Trong quý I, giá hạt tiêu Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng tới 60% so với cùng kỳ, đạt bình quân 7.556 USD/tấn. Giá hạt tiêu Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ cao hơn mức giá bình quân 7.137 USD/tấn của Indonesia và 6.825 USD/tấn của Ấn Độ.
Trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm, thì hạt tiêu Việt Nam lại đang được nhiều thị trường khác tăng nhập khẩu. Cụ thể, trong tháng 4, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Hoa Kỳ giảm gần 10% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang nhiều thị trường khác tăng mạnh về lượng như Đức (tăng 23%), Ấn Độ (tăng 42%), UAE (tăng 30%), Hàn Quốc (tăng 74%)… và đặc biệt là Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ tới 105%.
Theo ông Hoàng Phước Bính – một chủ trang trại hồ tiêu lớn ở Chư Sê, Gia Lai, khi Chính phủ Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng, trùng với thời điểm vụ mùa hồ tiêu ở Việt Nam vừa cơ bản kết thúc thu hoạch. Thông thường, khi mới thu hoạch xong, nhiều nông dân có nhu cầu bán một phần sản lượng để chi tiêu, lại gặp phải thông tin về thuế đối ứng, đã khiến cho giá hạt tiêu giảm xuống khá nhiều. Sau đó giá có tăng trở lại nhưng không được như kỳ vọng.
Từ cuối tháng 5, giá hạt tiêu ở Tây Nguyên lại giảm xuống dưới 150.000 đồng/kg. Dù vậy, nhìn chung tâm lý của người trồng tiêu không quá lo lắng. Không bị áp lực về tài chính do có những nguồn thu khác, họ đang chủ động giữ lại hạt tiêu ở trong kho, chờ khi giá tốt hơn mới bán.
Ông Bính nhận định, dù phải đối mặt với thuế đối ứng, nhưng xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam cũng như giá tiêu trong thời gian tới có tốt hay không, vấn đề chính vẫn ở cung – cầu. Sản lượng hạt tiêu Việt Nam đang trên đà giảm, nông dân lại chủ động giữ hạt tiêu ở trong kho, sẽ càng làm cho lợi thế trên thị trường nghiêng về phía cung.
.png)
Nông dân thu hoạch hạt tiêu ở Tây Nguyên. Ảnh: Sơn Trang.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho thấy, thị trường hạt tiêu toàn cầu đang đối mặt với những thách thức do sự sụt giảm sản lượng ở các nước sản xuất lớn như Indonesia, Ấn Độ…, với những nguyên nhân chủ yếu là biến đổi khí hậu, dịch bệnh và chi phí đầu vào tăng cao.
Ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu vẫn đang khá bình tĩnh, chờ xem thuế đối ứng chính thức sẽ ở mức nào.
Hoa Kỳ không sản xuất được hạt tiêu nên phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong đó, 60-70% là nhập từ Việt Nam. Chính vì vậy, ngay sau khi Hoa Kỳ công bố thuế đối ứng, Hiệp hội Gia vị Hoa Kỳ đã có kiến nghị lên chính quyền của Tổng thống Donald Trump, phản ánh lo ngại về những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn mà các loại thuế quan mới có thể gây ra đối với ngành gia vị và người tiêu dùng nước này.
Với những lý do đó, mức thuế đối ứng cuối cùng với hạt tiêu Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ có thể không cao, qua đó hạt tiêu Việt Nam vẫn có cơ hội tại thị trường này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hạt tiêu sang những thị trường khác nhằm giảm áp lực từ thuế đối ứng.
Theo ông Lê Việt Anh, một thị trường rất quan trọng mà ngành hồ tiêu Việt Nam cần tập trung hướng tới là Trung Quốc. Mỗi năm, nước này có nhu cầu tiêu thụ từ 90-100 nghìn tấn hạt tiêu, trong đó, sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được 20-30 nghìn tấn, còn lại phải nhập khẩu tới 60-70 nghìn tấn. Vấn đề hiện nay của ngành hồ tiêu Việt Nam là tổ chức xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc một cách bài bản để gia tăng vị thế, thị phần, sức cạnh tranh... của hạt tiêu Việt Nam trên thị trường này.
Sơn Trang